VÀI ẢNH HƯỞNG HUYỀN BÍ CỦA NGHỆ THUẬT

Vài Ảnh Hưởng HUYỀN BÍ CỦA NGHỆ THUẬT

 

Đôi khi các Chân sư xuyên qua những đại thi sĩ đưa ra ý tưởng ích lợi cho sự tiến hóa của loài người. Điều ấy không muốn nói là tất cả cảm hứng đều bắt nguồn từ các Ngài, có khi nó phát xuất từ Chân nhân của thi sĩ, có lúc từ các đại thiên thần, tùy trường hợp.

● Thi Ca

Nói một cách tổng quát, thơ có thể chia làm 3 loại, hoặc trình bày minh triết, hoặc có tính chất tiên tri hoặc giúp con người có nhận thức rộng lớn về mỹ lệ. Các đại thi hào được Chân sư hay đại thiên thần, hay cả hai vị sử dụng vào ba mục đích trên, nhưng ta cần nhấn mạnh là trong một bài thơ tuyệt mỹ ngoài việc biểu lộ minh triết, tương lai hay sự mỹ lệ còn có một cái gì khác nữa, một điều hết sức thanh bai khó mà định nghĩa; chúng ta chỉ biết rằng vần điệu du dương cùng với từ ngữ trong câu thơ phối hợp lại tạo nên kết quả này. Theo khoa huyền bí, sự phối hợp ấy sinh ra ảnh hưởng huyền bí có tác dụng trên các thể cao, do âm thanh và nhịp điệu của câu thơ.

Những vần thơ bất hủ lẽ tự nhiên chứa đựng tính chất này nên có sức lôi cuốn mạnh mẽ, đồng thời chúng ta không thể định nghĩa sự lôi cuốn ấy, và đó là khía cạnh huyền bí của thi ca. Thi sĩ càng sử dụng điêu luyện sự hiểu biết này hợp với ý tưởng thanh cao chừng nào, thì tác dụng của thi ca càng lớn cho sự tiến hoá con người.

● Văn

Sang đến văn chương, chúng ta cũng biết rằng có lúc Chân Sư gợi hứng văn sĩ, nhưng không phải vì ngài góp phần trong tất cả hoạt động của nhân loại, kể cả tiểu thuyết, mà cho rằng óc sáng tạo cá nhân vì thế chẳng còn, rằng văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ chỉ là con cờ múa rối trong tay các ngài. Nói như thế cũng sai khi cho rằng trong đời sống thường ngày, khi ai chấp nhận lời đề nghị của kẻ khác và làm theo đúng nó thì họ cũng chỉ là hình nộm múa may của người sau. Trong lúc có hàng trăm kịch bản, chuyện, phim ảnh được sáng tác không có sự góp phần của Chân sư và không cần sự giải thích huyền bí thì cũng có kịch và chuyện mà một phần của chúng được các ngài gợi hứng nhắm hướng về một mục tiêu.

Đương nhiên có lúc Chân sư thúc đẩy đại văn hào nào đó dùng tài nghệ của mình cho mục tiêu xả kỷ mà không thành công. Một Chân sư được biết đã cố gắng gợi hứng văn sĩ Pháp George Sand và thất bại vì "Bà chú trọng qúa nhiều đến dục tính". Tuy nhiên, ngay cả khi bà cảm nhận được ý tưởng của ngài, chưa chắc bà đã thuận theo chúng; bởi lẽ cả ngàn tư tưởng đến với văn sĩ khi sáng tác nhưng phần lớn bị loại bỏ, vì họ chỉ giữ lại những ý tưởng nào sẽ được dùng. Rất đúng khi nói rằng lúc Chân sư gợi hứng ai đó với ý tưởng đặc biệt, người nhận thường biết được giá trị của nó và rất vui thích sử dụng ý tưởng này. Nhưng tuy vậy, họ có thể lấy hay gạt bỏ nó hoàn toàn theo ý mình, nên rất sai lầm nếu cho rằng họ bị sử dụng trái với ý riêng.

   Ngoài việc gợi hứng cho văn sĩ, Chân sư hay đệ tử các ngài còn tạo hình tư tưởng, để rồi văn sĩ hay nhà soạn kịch có thể bắt được chúng và đem vào tác phẩm của họ, diễn tả chúng theo sự nhận xét riêng của mỗi người. Ấy là lý do đôi khi hai người cùng dùng một ý tưởng cho bản kịch hay cuốn chuyện mà nếu không rõ khía cạnh bên trong, người ta sẽ gọi đó là sự gian lận. Sự gian lận ngay tình còn có thể xảy ra theo cách khác, khi viết chuyện văn sĩ tạo nên một hinh tư tưởng rất mạnh và văn sĩ thứ hai bắt được hình ảnh trên.

   Vào thời buổi này việc đọc sách rất phổ thông, nên văn sĩ có thể tạo một ảnh hưởng rộng lớn nếu họ có khả năng và nếu họ muốn vậy. Khi đạt tới tột đỉnh, văn sĩ tài ba cũng chính là nghệ sĩ, văn chương vốn là một ngành nghệ thuật và do đó, có hai quan niệm đối ngược nhau về văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung. Văn chương có thể được dùng để ca tụng, chọn lọc, tôn vinh một ý tưởng hay nó sẽ chẳng có mục đích gì ráo nếu cho rằng "Nghệ thuật vì nghệ thuật".Trong đa số những tác phẩm danh tiếng thường ẩn dấu một mục đích, và đại văn hào không nhất thịết phải là người nghĩ ra câu chuyện đầy tình tiết éo le, gay cấn nhưng là kẻ đưa ra sự hiểu biết rộng lớn hơn về đời sống và con người. Tiểu thuyết gia viết về tệ đoan, tập tục lỗi thời đã góp phần vào việc bài trừ chúng, và rồi tiểu thuyết tâm lý khiến người ta chú ý đến nhiều vấn đề mà trước đây bị coi nhẹ, giúp độc giả tự phân tích tâm trạng mình, hay giúp hiểu rõ hơn động cơ ẩn sau hành động, tư tưởng.

● Kịch

   Nói về kịch nghệ, kịch thơ có vần có điệu tạo nên ảnh hưởng trên các thể thanh con người; tác dụng huyền bí này bị mất đi phần nào trong kịch thường tuy vậy nó cũng vẫn giữ lại những giá trị khác. Một vở kịch danh tiếng không phải chỉ trình bày mà còn mổ xẻ vấn đề, khiến người ta rung động, và cảm thông với nhân vật. Kịch có thể phô bày sự dại khờ hay sự khôn ngoan, đưa ra một triết lý sống. Với hài kịch, óc trào lộng là một hình thức của minh triết và lời lẽ châm biếm ngụ ý khuyên răn. Phim ảnh lại còn tác dụng sâu rộng hơn, có phim chỉ kích thích tình cảm và chẳng có nghĩa lý gì nhưng nói chung, giá trị giáo dục phim ảnh vô cùng lớn lao. Hơn thế nữa, nó đưa nhân loại tiến gần đến sự hợp nhất qua việc thông cảm lẫn nhau; nó khiến dân tộc này hiểu nét ăn thói ở, đặc tính, tập quán của dân tộc khác. Thu vào ống kính rọi chiếu lên màn bạc những khó khăn, đau khổ, nhọc nhằn của một sắc tộc xa xăm, phim ảnh làm cho ta thương mến hơn những người ấy, và đó chính là bước tiến rất xa dẫn đến tình huynh đệ đại đồng và đến hòa bình khắp nơi.

   Chúng ta có nói ở trên rằng đôi khi các Chân Sư, xuyên qua những đại thi sĩ, đưa ra ý tưởng ích lợi cho sự tiến hóa của loài người. Điều ấy không muốn nói là tất cả cảm hứng đều bắt nguồn từ các Ngài, có lúc nó phát xuất từ Chân nhân của thi sĩ, có lúc từ các đại thiên thần tùy trường hợp. Một số đại thiên thần ở cõi thượng trí rất hân hoan trong việc gợi hứng thi sĩ và nhạc sĩ, và thường khi thơ văn với lời lẽ xúc tích đầy âm điệu là kết quả của sự việc trên; thí dụ rõ ràng nhất của trường hợp này là thơ của Swinburne.

● Tranh

   Bước qua hội họa, một vài loại tranh đã được dùng để hỗ trợ sự tiến hóa.Vào thời kỳ mà trí tuệ của đa số chỉ có thể được phát triển nhờ vào xúc cảm tôn giáo, các họa sĩ có chân tài được gợi hứng vẽ tranh tôn giáo để khiến cho sự phối hợp giữa mỹ lệ và đạo đưa con người tiến lên, một điều mà tự tôn giáo không thể làm được. Ngoài việc ấy, nhiệm vụ của hội họa cũng như các ngành nghệ thuật chân chính khác là “đem vào thiên nhiên điều gì chưa có”, hay là điều gì mà thường không được nhận ra. Càng cao quý chừng nào nghệ thuật càng phô diễn những đặc tính của cõi thanh. Khi vẽ bức tranh phong cảnh họa sĩ đã đem vào nó những chi tiết thấy từ cõi cao, hay hơn thế nữa, vẽ nó theo con mắt của người nhìn sự vật ở cõi cao. Bởi thế trong những bức danh họa xưa người ta thấy được nét tinh thần, cảm được bầu không khí rất đỗi bình an, thoát tục.Những điều này ít khi có trong hội họa đương thời, vì nghệ thuật hiện đại bị ảnh hưởng bởi những cảnh thấp cõi trung giới.

Màu sắc đục tối, đường nét lệch lạc, cố tình vẽ nét xấu bắt nguồn từ cảnh giới này, nơi mà thành phần thấp nhất của nhân loại bước vào sau đời sống ở cõi trần. Tuy nhiên đặc tính ấy rồi sẽ qua đi vì Chân Sư người Venice (trong một kiếp là họa sĩ Paul Veronese) có nói: “Nghệ thuật trước đây vốn là bạn thiết với tôn giáo, nhưng trong thời đại duy vật hiện giờ đã hoàn toàn rời bỏ điều sau; rồi đây nó sẽ làm tròn nhiệm vụ cao quý này lần nữa, ấy là khiến ai thưởng ngoạn cảm được sự thiêng liêng. Do luật nhân quả nghệ thuật đang đi xuống và sau đó nó sẽ leo dần đến nơi sáng lạn.” (Trích từ Through the eyes of the Master by David Arias)

● Nhạc

Trong tất cả các ngành nghệ thuật, âm nhạc có tác dụng huyền bí mạnh mẽ nhất nên nó đã được sử dụng để ảnh hưởng luân lý, tư tưởng cũng như các nghệ thuật khác và ngay cả lịch sử con người. Người ta hay cho rằng âm nhạc là sản phẩm, phản ảnh của thời đại nhưng sự thật khác hẳn. Nhiều đặc tính xuất hiện trong âm nhạc trước rồi mới phát triển trong xã hội sau. Người Hy Lạp xưa biết rõ điều này và họ phân loại tình cảm theo cung bậc, âm giai của nhạc đã phát sinh các tình cảm ấy. Plato đi xa hơn nữa, ông cho rằng nhiều loại âm nhạc khi biến đổi sẽ dẫn đến rối loạn trầm trọng chính quyền. Nếu âm nhạc đơn giản của Hy Lạp xưa có ảnh hưởng mạnh mẽ dường ấy thì âm nhạc hiện đại với ban đại hòa tấu đông đảo, ban hợp xướng trăm người sẽ còn tác động mạnh đến chừng nào ? Đây là vấn đề rộng lớn và phức tạp không thể bàn luận trong vài hàng, điều cần nói là mọi sáng tác gia tài danh đã được sử dụng để tạo nên ảnh hưởng nào đó trong luân lý và tư tưởng, và do thế họ là tác nhân thúc đẩy sự tiến hóa.

Mỗi nhà soạn nhạc với lối viết riêng của mình được Chân Sư gợi hứng, hay được các thiên thần dưới quyền Chân Sư dùng làm trung gian; như vậy, Handel, Bach, Beethoven, Mendelssohn, Chopin, Wagner cùng với những nhạc sĩ khác được dùng để tạo nên hay củng cố những đặc tính con người.

Mai này âm nhạc sẽ được sử dụng theo đường lối mới để chữa bệnh, và đây cũng là một phần của kế hoạch thiêng liêng. Một số nghệ sĩ sẽ có khả năng nhìn thấy thể tình cảm, hiểu được nguyên do gây bệnh và biết cách dùng sự rung động của âm thanh để chữa. Ngoài ra, các nhà soạn nhạc tương lai sẽ cảm được loại âm nhạc cần thiết, tạo nên kết quả tốt lành cho nhân loại nói chung. Hiện giờ đa số người viết nhạc hoàn toàn không ý thức điều này, cũng như không biết chút gì về ảnh hưởng huyền bí mà nhạc của họ tạo nên. Chắc chắn họ sẽ rất ngạc nhiên nếu thấy được màu sắc và hình tư tưởng do nhạc sinh ra ở cõi cao, và rất vui thích khi biết rằng âm nhạc của họ có khả năng kêu gọi sự trợ giúp từ những thiên thần đầy quyền uy. Nói tóm lại:

   – Âm nhạc có ảnh hưởng trên tình cảm và tâm trí con người.

   – Ảnh hưởng này có được do tính chất dẫn dụ, mời gọi của nhạc và do sự lập lại nhiều lần.

   – Nó có tác dụng trên con người hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc bằng cả hai cách.

Như thế, âm nhạc ra sao thì đời sống sẽ phản ảnh y vậy.Bây giờ, nói qua về nhạc trưởng và nhạc sĩ cùng khả năng qua đó họ có thể được sử dụng và gợi hứng, một nhạc trưởng tài ba không phải chỉ cần là nhạc sĩ với những kiến thức về âm nhạc. Họ là người có cá tính mạnh mẽ, lôi cuốn hay ít nhất hấp dẫn được toàn ban nhạc vào lúc họ giơ đũa bắt đầu buổi hòa tấu, họ thúc đẩy nhạc sĩ làm việc với trọn khả năng. Nhìn ngoài mặt điều này có vẻ chỉ là sự phối hợp giữa kỷ luật và quyền năng khiến người hăng say hành động, nhưng nếu nhìn từ cõi cao, xuyên qua một đại nhạc trưởng nhiều lực mạnh mẽ của thiên thần tuôn tràn, hay là các thiên thần âm nhạc điều khiển ông trong lúc hòa tấu. Chúng ta có thể ví ông như một trạm biến điện, với nhiều đường lực không do ông sinh ra mà phát xuất từ thiên thần, vốn rất thích thú được làm việc cùng nhạc trưởng.

Riêng các nhạc sĩ, đôi khi họ nhận nguồn cảm hứng từ Chân nhân, đôi khi từ thiên thần hay từ những nhạc sĩ danh tiếng đã khuất. Cũng có trường hợp Chân Sư ảnh hưởng trên nhạc sĩ, như có lần ngài được quan sát đứng cạnh một nhạc sĩ vĩ cầm và gợi hứng cho ông. Khi ngưng ảnh hưởng vì ngài có việc phải đi, thính giả  nhận thấy một sự khác biệt rõ rệt sau đó trong cách chơi của nhạc sĩ, tỏ ra kém linh hoạt. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy, khi nhạc sĩ nói trên hăng hái chơi và nhạy cảm hơn lúc thường, ảnh hưởng từ Chân Sư còn được duy trì giây lâu sau khi ngài đã biến dạng.

 

Cyril Scott
An Outline of Modern Occultism

Xem Các Bài Liên Quan